Trọng lực – Đơn vị lực là bài học trong chương trình Vật lý lớp 6. Vậy trong bài học này tổng hợp những kiến thức nào. Các em và quý thầy cô hãy cùng Riviewer tìm hiểu nhé!

A. Lý thuyết
1. Trọng lực là gì?
Trọng lực là lực hút của Trái Đất tác dụng lên vật.

Cường độ (độ lớn) của trọng lực tác dụng lên một vật là trọng lượng của vật đó.
2. Những đặc điểm của trọng lực
Trọng lực có:
– Phương thẳng đứng.
– Chiều hướng từ trên xuống dưới (hướng về phía Trái Đất).

Quả táo rơi từ trên cây xuống. Dưới tác dụng của trọng lực, quả táo rơi theo phương thẳng đứng, hướng xuống dưới
3. Đơn vị của trọng lực và trọng lượng của vật
Trong hệ thống đo lường hợp pháp của Việt Nam, đơn vị của trọng lực (đơn vị của lực) là Niu tơn, ký hiệu là N.
Trọng lượng (ký hiệu là P) của vật được gọi là cường độ của trọng lực tác dụng lên vật đó.
Quả cân có khối lượng 100g (0,1 kg) thì trọng lượng của nó là 1N. Vậy trọng lực tác dụng lên quả cân khối lượng 100g có cường độ 1N hay trọng lượng của quả cân đó là 1N.
Lưu ý:
Trọng lượng của vật phụ thuộc vào vị trí của nó trên Trái Đất. Nên thực ra quả cân có khối lượng 100g thì trọng lượng của nó là gần bằng 1N chứ không phải chính xác bằng 1N.
Càng lên cao trọng lượng của vật càng giảm, vì khi đó lực hút của Trái Đất tác dụng lên vật giảm. Khi một người đi từ Trái Đất lên Mặt Trăng thì trọng lượng của người đó giảm đi 6 lần.
Hình ảnh con người trong môi trường không trọng lực:

B. Cách xác định phương và chiều của trọng lực
Giả sử có một quả cân, ta có thể xác định phương và chiều của trọng lực tác dụng lên quả cân đó theo hai cách như sau:
Cách 1:
Treo quả cân lên một sợi dây mềm (dây dọi), ta có phương của trọng lực trùng với phương của dây dọi (chính là phương thẳng đứng). Hai lực tác dụng lên vật khi đó là trọng lực và lực kéo của sợi dây. Hai lực đó cân bằng nhau, lực kéo có chiều từ dưới lên nên trọng lực có chiều từ trên xuống hướng về phía Trái Đất.
Cách 2:
Thả quả cân ở một độ cao nào đó, ta thấy quả cân rơi từ trên xuống theo phương thẳng đứng. Khi đó quả cân chỉ chịu tác dụng của trọng lực. Vậy trọng lực có phương thẳng đứng và có chiều từ trên xuống hướng về phía Trái Đất.
C. Trắc nghiệm
Câu 1:
Một bóng đèn được trei trên cây cột điện giữ nguyên vị trí vì:
A. Chịu lực giữ của sợi dây
B. Chịu lực hút của Trái đất
C. Không chịu lực nào tác dụng
D. Chịu tác dụng của hai lực cân bằng là lực hút của Trái đất và lực giữ của sợi dây
Câu 2:
Trường hợp nào sau đây là ví dụ về trọng lực có thể làm cho một vật đang đứng yên phải chuyển động
A. Quả bóng được đá thì lăn trên sân
B. Một vật được tay kéo trượt trên mặt bàn nằm ngang
C. Một vật được thả thì rơi xuống
D. Một vật được ném thì bay lên cao
Câu 3:
Lực nào sau đây không phải trọng lực
A. Lực làm cho nước mưa rơi xuống
B. Lực tác dụng lên một vật nặng treo vào lò xo làm cho lò xo dãn ra
C. Lực tác dụng vào viên phấn khi viên phấn được buông ra khỏi tay khi cầm
D. Lực nam châm tác dụng vào hòn bi sắt
Câu 4:
Trọng lượng một vật 40g là:
A. 400N
B. 4N
C. 0,4N
D. 40N
Câu 5:
Hãy chọn câu lập luận đúng trong các câu dưới đây?
A. Một con tàu vũ trụ bay quanh Trái Đất thì không bị Trái Đất hút nữa. Vì nếu bị hút thì nó đã rơi ngay xuống Trái Đất.
B. Một con tàu vũ tru bay quanh Trái Đất thì không bị Trái Đất hút.Vì ta thấy nhà du hành vũ trụ bị lơ lửng trong con tàu.
C. Một con tàu vũ trụ bay quanh Trái Đất vẫn bị Trái Đất hút. Nhưng lực hút này bi cân bằng bởi lực đẩy của động cơ.
D. Mặt trăng luôn luôn bị Trái Đất hút. Nhưng Mặt Trăng không bị rơi vào Trái Đất, vì lực hút có tác dụng làm Mặt Trăng quay tròn quanh Trái Đất.
Đáp án
1.D – 2.C – 3.D – 4.C – 5.D
Mong rằng qua bài trọng lực – đơn vị lực của Riviewer sẽ giúp các em hiểu và làm bài tốt hơn. Chúc các em học tập tốt và luôn đạt thành tích cao trong học tập!